Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là "con đường sống còn"

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 13/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Theo Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với các định hướng, giải pháp cụ thể đã được Bộ KH&CN đề xuất và thảo luận tại buổi làm việc đối với các lĩnh vực: phát triển AI, trung tâm dữ liệu, hạ tầng số, Chính phủ số, kinh tế số, công nghiệp công nghệ số (tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như robot, UAV, xe điện, vắc xin...), đổi mới sáng tạo, hạ tầng KH&CN dùng chung (trung tâm đo lường, thử nghiệm...), sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng lượng nguyên tử. 

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế ngành KH&CN cần tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới như: Khoảng cách về trình độ phát triển KH&CN của Việt Nam so với các nước tiên tiến còn lớn; nhận thức về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc chưa ưu tiên đúng mức cho lĩnh vực này; hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều điểm nghẽn, rào cản, kìm hãm sự phát triển....

Việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước xác định là yếu tố then chốt, sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN cần nghiêm túc đánh giá, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm khắc phục hiệu quả trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao phó, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sau sáp nhập, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Coi đây là cơ hội để tái cấu trúc ngành, lĩnh vực; sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có năng lực, tư duy đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới, đảm bảo tính kế thừa và liên tục.

Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2024/QH15 ngày 19 tháng 2 năm 2025 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, nhà nước đóng vai trò kiến tạo. 

Xây dựng chương trình hành động cụ thể, có lộ trình, phân công trách nhiệm rõ ràng; thiết lập cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện khoảng 180 nhiệm vụ quan trọng đã được xác định (bao gồm cả các nhiệm vụ trong Nghị quyết 57 và các nhiệm vụ bổ sung), đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các nhiệm vụ có thời hạn trong năm 2025.

Bộ KH&CN cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn. Loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đề cao tính linh hoạt, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, trở thành lợi thế cạnh tranh. Tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Hoàn thiện thể chế về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, sàn giao dịch dữ liệu; xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho công nghệ mới; hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ (nghiên cứu phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục để xử lý nhanh chóng, hiệu quả).

Phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến cáp quang biển mới, triển khai mạng 5G toàn quốc. Xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại. Đầu tư phát triển các công nghệ mũi nhọn, chiến lược (AI, bán dẫn, hydrogen, sản xuất thông minh...). Đảm bảo hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tập trung nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên các ngành công nghệ chiến lược. Thúc đẩy liên kết ba nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài KH&CN trong và ngoài nước (đặc biệt là trí thức Việt kiều). 

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, ban hành tiêu chí xác định chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện chính sách miễn thị thực nhập cảnh. Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc; cơ chế ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các nhà khoa học. Phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra đến năm 2030 (chi cho R&D đạt 2% GDP, nhân lực R&D đạt 12 người/1 vạn dân).

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo. Có chính sách khuyến khích thu hút FDI công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, xem xét các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo).

Nguồn: www.chinhphu.vn

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có hướng dẫn đối với các bộ ngành, địa phương về việc hoàn thiện thể chế, khung kiến trúc số, nền tảng số, hệ thống thông tin đến việc liên thông dữ liệu giữa các cấp chính quyền, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật... khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Bộ KH&CN đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, ban hành Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới.

Thực hiện Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ hướng dẫn triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số, đồng thời kiến tạo hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương.

Để triển khai hiệu quả, Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, đối với việc rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch, Bộ KH&CN đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và phân công lại các nhiệm vụ trong các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị… về phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, đảm bảo đồng bộ với thời hạn hiệu lực của quyết định tổ chức lại đơn vị hành chính. 

Bộ KH&CN cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, ban hành Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới và phù hợp với Khung kiến trúc chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0 (đã được Bộ KH&CN ban hành tại Quyết định số 292/QĐ-BKHCN ngày 25/3/2025).

Thời hạn hoàn thành: Trong vòng 15 ngày kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức lại đơn vị hành chính.

Tổ chức lại các nền tảng số, hệ thống thông tin đang được vận hành, khai thác

Về các nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, tổ chức lại các nền tảng số, hệ thống thông tin đang được vận hành, khai thác hoặc đang trong giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, sẵn sàng hoạt động ngay khi quyết định tổ chức lại đơn vị hành chính có hiệu lực. 

Bộ KH&CN đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các quy định, quy trình, quy chế quản lý, vận hành, khai thác các nền tảng số, hệ thống thông tin ngay sau khi các nền tảng số, hệ thống thông tin đó được tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trong vòng 15 ngày kể từ khi quyết định của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức lại đơn vị hành chính có hiệu lực (dự kiến 15/7/2025).

Đối với các nền tảng, hệ thống thông tin quy mô toàn quốc, đề nghị các bộ ngành liên quan chủ động rà soát, điều chỉnh và hướng dẫn triển khai đến địa phương. Thời hạn hoàn thành: Ngày 15/5/2025.

Đồng bộ, liên thông dữ liệu sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính

Về dữ liệu, các bộ, ngành, địa phương đồng bộ và liên thông dữ liệu giữa cấp xã, tỉnh và Trung ương sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính, tránh gián đoạn hoặc trùng lặp thông tin.

Thực hiện sao lưu, dự phòng dữ liệu định kỳ nhằm bảo vệ thông tin quan trọng, đồng thời xây dựng các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu, phòng chống rủi ro mất mát hoặc rò rỉ dữ liệu.

Tổ chức bàn giao dữ liệu đầy đủ, minh bạch giữa các đơn vị hành chính trước và sau khi sắp xếp; duy trì khả năng tra cứu dữ liệu cũ phục vụ công tác quản lý và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đảm bảo duy trì kết nối hiện có, tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống địa phương và Trung ương, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ liệu chính xác, có tính kế thừa; bảo đảm tính toàn vẹn, tin cậy, an ninh, an toàn.

Lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu bảo đảm hiệu quả, đơn giản, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính và các hoạt động khác.

Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số ngay sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính

Về hạ tầng kỹ thuật, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật hiện có tại các đơn vị hành chính thuộc, trực thuộc; xây dựng phương án điều chỉnh, hợp nhất hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số ngay sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, phù hợp với các điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. 

Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật vận hành thông suốt, không gây nên sự gián đoạn hoạt động của các nền tảng số, hệ thống thông tin, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi (có các giải pháp dự phòng).

Các bộ, ngành, địa phương duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo không gián đoạn các dịch vụ trên Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; bám sát tình hình thực tế sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính để cấu hình, điều chỉnh các dịch vụ cho phù hợp. 

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo không gián đoạn các dịch vụ đã cung cấp trên Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia và trên các nền tảng, hệ thống thông tin phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Về công tác số hóa tài liệu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 851/BNV-CVT

Đồng thời, duy trì và phát triển hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương, đồng bộ với việc bàn giao, quản lý tài sản, tài chính trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm.

Nguồn: www.chinhphu.vn

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đề xuất quy định nội dung chi cho hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số - Ảnh minh họa

Dự thảo Thông tư đề xuất quy định áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Nội dung chi

Theo dự thảo, nội dung chi đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển và kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước bao gồm các chi phí thành phần theo quy định tại Điều 19 và Điều 28 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 82/2024/NĐ-CP) sử dụng.

Nội dung chi đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 28 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP), bao gồm các chi phí: 

a- Chi mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống thông tin hiện có; mua sắm thiết bị không cần lắp đặt; mua sắm phần mềm thương mại (bao gồm cập nhật bản quyền phần mềm thương mại).

b- Chi gia hạn bảo hành (bảo hành mở rộng); bảo trì, sửa chữa hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm (bảo đảm thực hiện các công việc theo quy định tại Phụ lục số 12 Thông tư số 18/2024/TT-BTTTT ngày 30/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước).

c- Chi quản trị, vận hành, thuê quản trị, hỗ trợ kỹ thuật hệ thống thông tin (bảo đảm thực hiện các công việc theo quy định tại Phụ lục số 11 Thông tư số18/2024/TT-BTTTT), dịch vụ an toàn thông tin mạng (chi dịch vụ kiểm tra đánh giá an toàn thông tin, chi dịch vụ giám sát an toàn thông tin, dịch vụ ứng cứu sự cố an toàn thông tin); dịch vụ an ninh mạng.

d- Chi tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hoá, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu, gồm: chuẩn hóa dữ liệu; tạo lập dữ liệu ban đầu; cập nhật dữ liệu, thông tin mới (mua nội dung thông tin, tạo lập và chuyển đổi thông tin, số hoá thông tin); duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu.

đ- Chi phục vụ hoạt động đối với trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, gồm: 

- Mua nội dung thông tin, tạo lập và chuyển đổi thông tin, số hoá thông tin cho cổng/trang thông tin điện tử.

- Chi bảo đảm nhân lực cho cổng/trang thông tin điện tử gồm: nhân lực biên tập, nhân lực quản trị kỹ thuật.

- Chi bảo trì, bảo dưỡng cổng/trang thông tin điện tử: thuộc mục chi bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm.

- Chi nâng cấp, chỉnh sửa cổng/trang thông tin điện tử: Thuộc mục chi mua sắm, nâng cấp phần mềm.

e- Thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP).

g- Chi các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc thực thi nhiệm vụ giải quyết sự cố theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu nghiệp vụ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật.

h- Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên không thuộc hoạt động quy định tại khoản 24 Điều 3 Nghị định số73/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP), gồm chi quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như: Chi xây dựng, rà soát cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chi điều tra, khảo sát thu thập thông tin phục vụ quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chi hội nghị, hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Nội dung chi đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP) bao gồm các chi phí thành phần theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP).

Nguồn: www.chinhphu.vn

Căn cứ Nghị định số 55/2025/NĐ-CP ngày 02/03/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 08/04/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành quy định về công tác kiểm tra của Bộ Khoa học và Công nghệ (Quyết định số 487/QĐ-BKHCN).

Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mục đích của công tác kiểm tra nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình chấp hành pháp luật chuyên ngành khoa học và công nghệ, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các kết luận của Lãnh đạo Bộ và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường hiệu quả phòng ngừa vi phạm, kiến nghị biện pháp xử lý khi có dấu hiệu vi phạm; điều chỉnh hoạt động quản lý cho phù hợp; giúp đối tượng kiểm tra thực hiện đúng quy định pháp luật, kịp thời khắc phục sớm những thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật (nếu có) hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp thực tiễn.

Kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra. Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện trên cơ sở quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Thống nhất kế hoạch kiểm tra và kế hoạch thanh tra hằng năm để tránh chồng chéo, hạn chế ảnh hưởng hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quy định kiểm tra quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành kiểm tra có trách nhiệm lựa chọn người có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc kiểm tra để xem xét, cử tham gia Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra.

Thanh tra Bộ được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện xây dựng, quản lý kế hoạch kiểm tra hằng năm; đôn đốc việc thực hiện kiểm tra của các đơn vị theo đúng kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra của các đơn vị; báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho cán bộ, công chức các đơn vị trực thuộc Bộ.

Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Bộ KH&CN luôn định hướng ưu tiên cho hoạt động KH&CN trong lĩnh vực quốc phòng thông qua việc nghiên cứu, phân bổ kinh phí với tỷ trọng lớn. Kết quả của các hoạt động khoa học quân sự đã thể hiện hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Các đại biểu tham quan sản phẩm KH&CN của Bộ Quốc phòng - Ảnh: VGP/HG

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như trên tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Báo cáo của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hai Bộ cho thấy, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của hai Bộ có sự gắn kết chặt chẽ và tham mưu cho Lãnh đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã được phê duyệt trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chương trình phối hợp đạt được nhiều kết quả tốt; đồng thời đẩy nhanh việc đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được triển khai theo đúng định hướng của Bộ Quốc phòng, hiệu quả ứng dụng của các sản phẩm KH&CN được nâng cao.

Các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm được triển khai đồng bộ, qua đó, từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo vũ khí công nghệ cao; các loại vật tư cho sản xuất, sửa chữa và thay thế vũ khí trang thiết bị kỹ thuật của các quân, binh chủng... góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, công tác KH&CN trong Quân đội năm 2024 có những bước phát triển, đạt nhiều kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong lĩnh vực quốc phòng năm 2024. Điều này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ trong thời gian qua, đồng thời thúc đẩy hoạt động KH&CN trong Bộ Quốc phòng lên một tầm cao mới, đóng góp cho quân sự, quốc phòng và bảo đảm an toàn an sinh đất nước. 

Đặc biệt, các lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, y dược học quân sự và các chương trình sản phẩm quốc gia, nhóm nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia… đều được triển khai hiệu quả và mang lại kết quả tốt.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm lưỡng dụng của quốc phòng đã đóng góp cho các ngành kinh tế như: Đóng tàu kinh tế và xuất khẩu; vật liệu nổ công nghiệp cho ngành khai khoáng và xuất khẩu; mũi khoan xoay cầu bằng hợp kim đặc biệt; băng tải cao su; phụ tùng ô tô, xe máy; dây và cáp điện; các sản phẩm dân dụng khác phục vụ trong nước và xuất khẩu…

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng năm 2024 - Ảnh: VGP/HG

Phối hợp chặt chẽ trong triển khai Nghị quyết 57 

Chia sẻ về những chuyển động lớn của ngành KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề cập đến việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đề ra nhiều chủ trương lớn có tính chất đột phá cho ngành KH&CN.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&CN đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn và 140 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. 

"Đây chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng tại Nghị quyết 57 mà chúng ta cần tập trung triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng, sửa đổi Luật KH&CN năm 2013 có tính chất định hướng quan trọng cho ngành KH&CN, gồm nhiều cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn đang tồn tại như: Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN; đơn giản hóa thủ tục hành chính triển khai nhiệm vụ KH&CN… Dự kiến Dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.

Để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN với Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; Nghị quyết số 03/NQ-CP, Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp…

Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục phát huy hơn nữa các kết quả đã đạt được, đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào các đơn vị mạnh để nghiên cứu, chế tạo các chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật chính, cốt lõi có thể chủ động việc sản xuất, trang bị cho quân đội; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, xem xét đề xuất những nhiệm KH&CN tầm quốc gia, huy động tiềm lực KH&CN ngoài nhà nước, của các trường đại học phục vụ quốc phòng, an ninh và cả những nhiệm vụ lưỡng dụng phục vụ dân sinh nhằm phát huy tối đa sức mạnh, lợi thế của các bên.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/

Chuyên mục phụ

Hệ thống quản lý chất lượng ISO

ISO

2

TRACUU TTHC copy.jpg

QUY HOACH.png
DAUTHAU.png
du an dau tu.png
z2968527144711 d848110be1d8764d9f668eeee98dcb61

25dichvutjietyeu

z2615644676645 cb140a8573bb0f9f0f94b7488171d6d7

banner

 cpso
 lichcongtac
z5657615487203 52310839071a4be05fd539067e9a767b

congbaohb

HOP THU DIEN TU

941014
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả các ngày
176
358
176
812917
1502
14812
941014

Your IP: 18.217.174.142
2025-05-04 15:42
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, Phường Phương Lâm, Thành phố Hòa Bình, Tỉnh Hòa Bình
Tel: 02183.898.678        - Email: sokhoahoccongnghe@hoabinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Template Settings

Color

For each color, the params below will be given default values
Blue Oranges Red

Body

Background Color
Text Color

Header

Background Color

Spotlight3

Background Color

Spotlight4

Background Color

Spotlight5

Background Color

Footer

Select menu
Google Font
Body Font-size
Body Font-family
Direction