Ngày 3/11, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 209-KH/TU tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn bổ sung và xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929 - 2025”.
Kế hoạch nhằm nghiên cứu, biên tập, chỉnh lý, bổ sung nội dung cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 -2010)”; thu thập, sưu tầm tư liệu, tài liệu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2025; trên cơ sở đó, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2025)”. Cuốn sách là một công trình khoa học, ghi chép lại quá trình lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, tiến hành tham gia 02 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình từ năm 1929 đến năm 2025. Qua đó, tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo, chỉ đạo, đóng góp của Đảng bộ và Nhân các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong lịch sử chung của đất nước, của Đảng Cộng sản Việt Nam; quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh trong từng giai đoạn cách mạng; làm cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tiếp theo. Cuốn sách là tài liệu quan trọng, cẩm nang để tìm hiểu, tra cứu về lịch sử của tỉnh Hòa Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nói chung; lịch sử hình thành, phát triển của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nói riêng; để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đấu tranh cách mạng, những thành tựu to lớn của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hòa Bình trong các giai đoạn xây dựng và phát triển; góp phần bồi dưỡng, vun đắp, rèn luyện, nâng cao lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ. Cuốn sách là một trong những công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 140 năm thành lập tỉnh Hòa Bình (1886 - 2026) và 35 năm tái lập tỉnh Hòa Bình (1991 - 2026) .
Việc nghiên cứu, biên soạn bổ sung, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2025)” phải đảm bảo tính đảng, tính giáo dục, tính khoa học và theo quy định của Luật Xuất bản năm 2012. Việc xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 -2025)” không làm mất đi giá trị lịch sử và ý nghĩa của cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 -2010)”. Kế thừa toàn bộ nội dung cuốn sách“Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929 - 2010”, chỉ chỉnh sửa, bổ sung những tư liệu, sự kiện mới hoặc đã được các cơ quan chuyên môn về công tác nghiên cứu lịch sử, các cơ quan chức năng khẳng định (như vấn đề địa giới hành chính, dân cư, dân số,…). Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh, ở trung ương và địa phương; sự phối hợp, giúp đỡ của các nhà khoa học ở Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Khoa học Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,… trong việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Nội dung: Trên cơ sở kế thừa toàn bộ cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình từ năm 1929 đến năm 2010; đồng thời nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung các nội dung sau: Những thay đổi về đặc điểm dân cư, tổ chức bộ máy hành chính, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh qua các thời kỳ,…; đặc biệt là sau khi tỉnh Hòa Bình thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14. Tên gọi tỉnh Hòa Bình. Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở cấp xã. Những đánh giá về ý nghĩa chiến lược của chiến dịch Hòa Bình đối với phong trào kháng chiến chung của cả nước; từ đó, cập nhật tương đối đầy đủ về vị trí, vai trò, những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hòa Bình với thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952). Các sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình. Khoán chui ở tỉnh Hòa Bình. Sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hòa Bình đối với Đảng và Nhân dân các bộ tộc Lào trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Vị trí, vai trò, những đóng góp của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ chung tỉnh Hà Sơn Bình (1976 - 1991). Đóng góp của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình với công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Những đánh giá hoặc những bài học kinh nghiệm trong mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ Đại hội I đến Đại hội XVII),…
Sưu tầm tài liệu, tổ chức nghiên cứu, biên soạn bổ sung mới 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế giai đoạn 2010 - 2025. Ảnh tư liệu minh họa các kỳ Đại hội Đảng bộ, ảnh chân dung các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (được sắp xếp theo các kỳ Đại hội) của các kỳ Đại hội XV, XVI, XVII. Ảnh về các sự kiện chính trị lớn của tỉnh; ảnh của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc ở địa phương; ảnh về các thành tựu, kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại giai đoạn 2010-2025. Tổng hợp nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh các thời kỳ nói trên, biên tập, xây dựng bản thảo cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2025)”; tổ chức xuất bản và phát hành cuốn sách.
Thời gian: Triển khai trong 36 tháng, từ tháng 10/2023 đến tháng 8/2026.
Phương thức: Đặt hàng đơn vị tư vấn có chuyên môn chuyên sâu về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của Trung ương trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn bổ sung, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2025)” theo Kế hoạch này; nghiên cứu, biên soạn bổ sung, xuất bản cuốn sách; tham mưu ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập cuốn sách; lựa chọn đơn vị tư vấn, đặt hàng cuốn sách,... Chủ trì, phối hợp tiến hành ký kết hợp đồng với các cơ quan, nhà khoa học chuyên sâu về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở Trung ương và địa phương đảm bảo chất lượng và tiến độ cuốn sách theo Kế hoạch đã đặt ra. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, đơn vị tư vấn đặt hàng và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập tổ chức các hội nghị, hội thảo về cuốn sách; tổ chức đặt hàng biên soạn các chuyên đề; xin ý kiến các tập thể, cá nhân có liên quan về bản thảo cuốn sách; tiếp thu, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo cuốn sách theo yêu cầu, kết luận của Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập cuốn sách. Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn bổ sung và xuất bản cuốn sách trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn đặt hàng, các cơ quan liên quan phát hành và thanh quyết toán kinh phí cuốn sách sau khi đã hoàn tất việc xuất bản. Chủ trì việc đặt hàng số hoá, xuất bản sách điện tử với các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính thẩm định dự toán, bố trí kinh phí nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách theo quy định. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Hội Sử học tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên của Ban Biên tập, Tổ Giúp việc và đơn vị tư vấn đặt hàng, các tập thể, cá nhân có liên quan khai thác, sưu tầm tư liệu, tài liệu và các thông tin cần thiết khác cho việc nghiên cứu, biên soạn cuốn sách. Tích cực tham gia tuyên truyền, phát huy giá trị và ý nghĩa của cuốn sách sau khi đã xuất bản./.
CTTĐT